CÁCH LÀM CHÈ HOÀI SƠN TÁO ĐỎ ĂN TẾT TIÊU NGẤY, DƯỠNG NHAN

30 Tết, ngày cuối cùng của năm, làm một món thật ngon thắp hương ông bà Tổ Tiên, để đón một năm mới rộn ràng niềm vui nhé! Năm nay, thật may mắn khi mình tìm lại được một món ngon ngày Tết, khởi nguồn từ việc tìm lại được một nguyên liệu bấy lâu cứ tưởng không còn nữa, hoá ra nó vẫn đây, vẫn âm thầm có ở các chợ Hà Nội mỗi đợt Tết về. Vì mùa thu hoạch cũng là mùa Tết đến. Đó là củ hoài sơn – củ mài (họ củ mài rừng). Hoài sơn vốn rất bổ dưỡng, được dùng trong các vị thuốc Bắc. Hoặc để ninh nấu bồi bổ sức khoẻ. Hoài sơn cực giàu chất xơ hoà tan ở dạng keo nhớt – được mệnh danh là nguồn collagen thực vật cực dồi dào, là bài thuốc dưỡng nhan tuyệt vời cho các mẹ các chị. Không những thế, hoài sơn còn bổ tì vị, rất bổ thận, trị suy nhược… nên ngày Tết thường được nấu làm món tráng miệng cuối bữa để cân bằng, tiêu bớt đạm, mỡ, chống ngấy chống tích béo. Bấy nay bặt tăm không thấy, năm nay những ngày giáp Tết, mình tình cờ tìm tìm thấy nguyên cả một thửa ruộng trồng hoài sơn mới dỡ, người nông dân còn đang xếp lên hàng chồng củ tươi còn rỉ nhựa, thơm nồng mùi đất mới, thật thích không tả được. Rồi mình nhớ lại món chè hoài sơn táo đỏ ngày Tết ngày xưa. Thật không ngờ có dịp làm lại món này cho Tết nay. Mình nhớ các bà nấu món này ngon lắm, không đánh thêm chút bột nào mà chè vẫn sánh vì tự củ tiết ra chất dẻo sóng sánh. Nước chè thanh mát từ đường phèn, nhãn nhục. Đặc biệt, mùi chè rất thơm vì mùi hoài sơn bở tung quyện với thứ “gia vị” bí mật mà bao năm sau mình vẫn lưu luyết mãi bát chè ấy, đó chính là một nhúm trần bì – vỏ quýt hôi treo khô, được thái chỉ nhỏ tý thả vào nồi chè. Chè hoài sơn thường được nấu cùng táo đỏ – loại táo tàu khô tự nhiên màu còn đỏ như son, rất bổ dưỡng và ngon miệng. Ngoài ra còn nhân hạt bí trắng bùi bùi sần sật. Năm nay, mình quyết dành thời gian rảnh rỗi những ngày cuối để “phục dựng” lại mâm chè Tết như năm xưa. Có điều tiếc thay mình không còn trần bì, và không có nhân hạt dưa nên thay bằng hạt thông, không ngờ hạt thông cũng ngon tuyệt vời và rất hợp với món này. Về củ hoài sơn tươi, nay đang mùa, các bạn có thể tìm mua ở các chợ, hỏi hàng rau, hàng lá nhé. Hoặc nếu không kịp làm ăn Tết, thì ra Giêng ngày rộng tháng dài, hãy làm thử ăn chơi… Món này vừa ngon vừa bổ, đặc biệt hợp với trẻ con người già, vì bác mình bảo chè này ăn để tăng cường sinh lực và sức đề kháng chống bệnh tật lúc chuyển mùa ẩm ướt. Các nguyên liệu còn lại bạn hỏi mua ở hàng thuốc Bắc nhé. Món chè này không hề khó, nhưng cần cầu kì tỉ mỉ để ngon hoàn thiện từng loại nguyên liệu, đúng kiểu cách Hà Nội xưa, nấu chè cũng không vội được đâu <3 Cùng làm thôi!

Nguyên liệu:

1 củ hoài sơn (khoai mài) khoảng 1kg.

100g táo đỏ 50g nhãn nhục (long nhãn khô)

50g hạt thông/ nhân hạt dưa đã tách vỏ

1 thìa nhỏ trần bì (mình không có nên thay bằng vỏ cam vàng bào nhuyễn)

1 nhúm nhỏ muối

250g -400g đường phèn tuỳ khẩu vị

tổng 3,5 lít nước để nấu chè

Cách làm:

⁃ Táo đỏ rửa sạch, cho vào một bát to, đổ ngập nhiều nước ngâm khoảng 30 phút.

⁃ Nhãn nhục rửa sạch, cho vào một bát to, đổ 500ml từ phần nước nấu chè vào ngâm khoảng 30 phút.

⁃ Chuẩn bị một thau nước đầy. Củ hoài sơn rửa sạch, cắt đôi cho dễ cầm, dùng dao bào vỏ thật nhanh tay. Rồi thái khoanh mỏng và thái hạt lựu nhỏ. Thái dần khoảng 3-4 khoanh thì thái lựu ngay rồi ngâm ngay vào thau nước cho bớt nhựa.

Lưu ý thái nhỏ bằng hạt sen khô thôi, để khi nấu củ còn nở to và ngấm được độ ngọt, thái to khi nấu sẽ vỡ nát và không ngấm.

⁃ Đổ hoài sơn đã thái và ngâm ra rá, xóc ráo.

⁃ Đổ khoảng 1l nước vào nồi, đổ hoài sơn vào ngâm tiếp khoảng 15p cho tiết ra chất nhớt (khi nấu chè mới sánh).

⁃ Trong lúc đó, cho táo đỏ và 1l nước vào một nồi khác, đun to lửa cho sôi bùng lên, giữ lửa to vừa nấu cho táo nở căng và hút nước thì giảm nhỏ lửa đun thêm 5p.

⁃ Giờ mới nấu chè đây:

⁃ Bắc nồi hoài sơn lên bếp, nấu lửa nhỏ vừa, khuấy đều đến khi nước trong nồi ấm mới đổ phần táo đỏ vào nấu cùng để củ không bị sượng.

⁃ Chỉnh lửa to cho sôi bùng lên, nhanh tay hớt bỏ toàn bộ bọt nhớt phía trên thì nước chè mới trong. Giảm nhỏ lại nấu đến khi khoai bở, nước bắt đầu hơi sánh nhẹ. Cho đường phèn, trần bì và nhãn nhục đã ngâm (cả phần nước ngâm nhãn) vào nấu cùng. Khuấy đều, tiếp tục lửa nhỏ cho đến khi nhãn nở căng ra và có màu trắng, củ nở to, bở mà không vơ nát.

⁃ Đổ hạt thông vào. Tắt bếp. Để chè thật nguội thì cho tủ lạnh, ướt mát lạnh trước khi ăn. Chè nấu từ bột nhớt tự thân của hoài sơn nên không sợ vữa. Chè chỉ sánh rất nhẹ, không bứ, rất hanh mát. Có thể bảo quản trong hộp kín ăn mát những ngày Tết.

⁃ Có thể nêm nếm gia giảm lại độ ngọt của chè theo khẩu vị sau khi tắt bếp. Lưu ý, nếm chè khi còn nóng ấm có xu hướng nhạt hơn khi đã để nguội lạnh, vì vậy khi nấu thấy thanh ngọt mát là vừa, kẻo nêm nhiều đường sau sẽ bị ngọt sắc. Chúc các bạn thành công và giữ lại món chè Tết Hà Nội nhé!

Trong quá trình làm, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, comment cho mình biết ở đây nhé

Related posts

CÁCH LÀM BÁNH MỲ “DÂN TỔ” TÁN ĐỔ TIM EM

CÁCH LÀM THỊT KHO SIÊU TỐC “OÁNH” BAY NỒI CƠM

[MÓN NGON – BÀI THUỐC] TRỨNG RÁN LÁ MƠ THƠM BÙI GIẢI NHIỆT, BÍ QUYẾT TRỞ THÀNH NGƯỜI “TỐT BỤNG”