MÙA CÁ NGẦN NAO NỨC

{KÝ ỨC HÀ NỘI}
Tháng 6 tu hú kêu, mùa cá ngần nao nức….
Hồi bé, mỗi buổi chiều hè, bà ngoại thường ngồi ngoài sân, trên chiếc chiếu hoa, rồi thủng thẳng vẫy bọn tôi lại, và bảo: Bóp chân cho bà đi, rồi bà đọc cho mà nghe!
“Đọc” ở đây là đọc ca dao, đọc tích cổ như “Tống Trân – Cúc Hoa”, “Phạm Tải – Ngọc Hoa” ấy. Bọn trẻ con chúng tôi thích lắm, cứ ra sức vừa bóp chân cho bà hết đau khớp, vừa há mỏ lên nghe bà đọc ca dao.
Cứ hễ bà đọc đến câu:
“Tiếc thay hột gạo trắng ngần,
Đã vo nước đục, lại vần than rơm.
Tiếc thay hạt gạo tám xoan,
Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà…”
Là tôi lại cứ bần thần thắc mắc mãi “trắng ngần” là gì? Sao mà nó hay đến thế, đẹp đến thế.
….
Rồi mãi sau, đến khi nhìn thấy con cá ngần, tôi mới ồ lên tự hỏi, liệu có phải cái từ “trắng ngần” là để tả con cá này không nhỉ!
Con cá ngần nó trắng ngần ra! Chẳng biết tả thế nào khác. Một màu trắng không sắc độ, trắng không tì vết, trắng C:0 – M:0 – Y:0 – K:0, trắng #ffffff, trắng phát sáng, trắng bóng bẩy đẹp đẽ như những sợi bún tươi có điểm những chấm mắt đen nhấp nháy. Trông chúng thật không giống gì những con cá khác. Trông chúng thật đẹp mắt và thật giống một mớ bấc nến.
Tôi chỉ muốn được ngồi ngắm một rổ cá ngần như vậy hàng giờ. Nhưng chả bao giờ thoả nguyện.
Vì mỗi lần mẹ tôi mua cá ngần về, là nhà như chạy giặc.
Tôi chưa thấy loại cá nào mà phải mua – làm và ăn như đi “ăn cướp” vậy.
Mẹ phải dậy sớm, thấy có cá ngần là lao vào mua ngay. Mua về đến nhà là vội vàng đổ vào rá tre rồi ngâm ngay, làm ngay. Cứ như nếu chậm trễ một phút thôi thì sẽ xôi hỏng bỏng không, công cốc cả nút!
Thì ra cá ngần này yếu lắm, hiếm lắm, quý lắm, ngon lắm.
Cả năm chỉ có một mùa cá ngần. Trước cá ngần ở một vài sông lớn quanh Hà Nội. Đến mùa, có đàn cá ngần theo nước lên, người đánh bắt được. Theo lẽ thì của ngon vật lạ thường đem về Hà Nội bán cho được giá, nên cá ngần lại thành ra là món ăn ngon của người Hà Nội.
Mấy năm nay, thấy bảo cá ngần có ở sông Đà nhiều. Mỗi mùa, cũng chỉ chóng vánh vài tuần cuối tháng 6, là lúc mùa tu tú kêu, là lúc quả vải vào chính vụ.
Cá ngần yếu, không nuôi, không ngâm tẩm gì được, cũng không mang đi được đâu xa. Chỉ có cách chế biến càng nhanh càng tốt, mới giữ được sự ngon ngọt của nó.
Cá ngần không có vị hôi tanh như các loài cá sông nhỏ khác. Người đánh bắt vào tinh mơ, chuyển về chợ từ sớm, người mua về từ sáng, và chế biến ngay khi trời kịp nắng nóng, thì cá mới ngon nhất, ngọt nhất, “giòn thịt” nhất. Không bị chảy nước, không bị ươn, không bị mất đi cái sự trắng ngần tuyệt đẹp với cái lảy đen nhấp nhánh lấm tấm như những chấm kim sa đen tuyền trên thảm lụa trắng.
Cá ngần ngon lắm, làm món gì cũng ngon.
Mẹ hay làm chả cá ngần viên ăn với bún rối, rau thơm rau muống chẻ và thứ nước chấm chua ngọt từ các loại dấm trái cây thơm dịu dàng.
Mẹ hay làm chả cá ngần cuốn lá lốt chấm mắm dầm sấu ớt cay xè ăn với cơm trắng.
Rồi nghĩ, mùa cá ngần ngắn chớp nhoáng, mẹ lại đem cá ngần phơi thành một tấm “bánh cá ngần” trắng phau lấm tấm ớt khoanh, cất kín trên chạn bếp, đợi những chiều mưa rào mùa hạ, cả nhà rải chiếu ra cửa, đem “bánh cá ngần khô” ra nướng sơ hoặc rang sơ trên chảo gang nóng cho thật dậy mùi, rồi xé tơi cá ra chấm tương ớt tỏi cay xè lưỡi.
Cứ thế mà mùa cá ngần nào đến cũng nhanh như chạy giặc nhưng lại để lại nao nức bao nhiêu dư vị khó quên. Để lại bao nhiêu mùi và vị của một mùa hè trên đầu lưỡi và trong dạ dày của bọn trẻ con Hà Nội.

Năm nay, mình rảnh rỗi. Mùa cá ngần mình kịp mua về làm lại bao nhiêu món ngon của mẹ. Bạn có muốn mình chia sẻ những món ngon tuyệt ngon từ cá ngần không?

Related posts

THIÊN ĐƯỜNG HOA HANAMIYAMA Ở TỈNH FUKUSHIMA

Mồng 3 tháng 3, sửa soạn đón Tết Hàn Thực

BÁNH XUÂN THÁI – MÓN BÁNH CỔ TRUYỀN DỊP TẾT HÀN THỰC CỦA NGƯỜI VIỆT XƯA.