TÀN XUÂN, HÁI MAI…

Trong ký ức trong vắt của những đứa trẻ Hà Nội những năm cuối thập kỉ 80 khi ấy, mốc thời gian thường được đoán định theo các loại quả có thể vặt trộm được phía bên kia hàng rào râm bụt nhà hàng xóm.
Mùa cũng vậy, mùa cứ thong thả trôi qua những kẽ tay khi thì lấm lem nhoe nhoét tím ngắt màu dâu tằm vặt trộm, khi thì trôi qua vạt áo trắng đầy phấn nhót, lúc lại trôi qua túi áo túi quần căng đầy sấu non; có khi còn vương lấm tấm hoa sấu muộn giao hè…
Nhưng có lẽ thời khắc tàn xuân lại gắn liền với một loại quả mà đến bọn trẻ con cũng chả mấy thiết tha, nên được còn xanh mãi trên cây, đấy là mai.
Mai là thứ quả của cây mai (dĩ nhiên rồi), loài cây hoa trắng cánh mỏng mong manh tinh khiết gầy guộc đẹp mộng mị. Mai trong tứ quý “Tùng- Trúc-Cúc-Mai”. Đấy là nói về vẻ đẹp của cành mai, hoa mai…
Mai là họ hàng của Mơ. Đoạn này mới là nói đến quả mai. So với mơ, mai có vẻ cứ như là con ghẻ. Mơ tới mùa mơ rám má đào, mơ thơm nứt tơ lông mịn màng ai trót vương ngửi phải thì tứa nước miếng. Mơ ngâm đường ngâm rượu mơ phơi se deo lại rồi ngâm tẩm làm đủ thứ ô mai.
Còn mai? Chắc chỉ gái dở thèm chua, gái chửa nghén ngẩm đôi bận trở mình thèm lồng thèm lộn một vốc mai xanh chấm muối hột nhai rôm rốp làm ai nhìn thấy cũng rùng cả mình, toát mồ hôi lưỡi, ê cả răng trong tâm tưởng.
Nhưng mai, với bọn trẻ con, tuy chả mấy thiết tha, nhưng cái thói thèm dấm dứt thì đôi bận cũng ngó ngàng để mắt, ngước đôi mắt hí đen nhánh rà soát cả vòm lá răng cưa xanh mướt mát, để lần tìm từng quả mai xanh lông phấn trắng mịn. Nghĩ đến mà rùng mình. Mai vừa chua vừa chát vừa đắng, lại không thơm như mơ, cắn quả xanh quả non hạt giòn lại vỡ ra cái mùi tinh dầu hạt mai như mùi bọ xít!
Thế có gì thích?
Thích chứ!
Một vốc mai ương ương quả, nghĩa là lúc mai qua xanh chưa tới chín, quả bớt đắng một chuý, độ chua vừa và giòn tan. Giã một nhúm muối rang với trái ớt hiểm, vò vào đấy vài đọn lá dâu da xoan non mướt, rồi chấm dí quả mai vào, cho lên miệng… Và, cái vị đắng nó xộc vào vòm miệng, vị chát nó tê trên lưỡi và hai bên hàm tứa ra là nước ầng ậc chua. Thêm cái cay sè của ớt và mặn của muối, thế quái mào mà lại muốn xơi thêm quả nữa. Rồi quả nữa. Cắn vỡ cái hạt giòn lại có mùi tinh dầu hạt mai hăng hắc bùi bùi ai không ưa thì ghét cay ghét đắng, ai quen mùi thì thành nghiện thành mê.
Vậy thôi, bọn trẻ có cái ăn vui miệng.
Mấy bác già có cái nhắm rượu quốc lủi.
Vậy nên, cống hiến lớn nhất của quả mai là ướp muối đường cam thảo làm ô mai chữa ho, trị đờm, chữa kiết kị.
Cống hiến thứ hai mà trẻ con chả xơ múi được gì là ngâm rượu.
Sao mà ngon!
Rượu mai khác biệt hẳn hòi với rươuk mơ.
Rựou mai chỉ có mùi hạt mai là mạnh nhất, nhưng vị thì chúa nhất đời!
Nào đắng nào chát nào chua nào tê cay.
Thứ rượu cũng chả có đâu mà phổ biến vì nhà trồng mai không nhiều.
Nhưng nhà nào trồng mai ắt có vài vò rượu mai lâu năm đãi khách quý
Thơm lắm. Ngon lắm.
Ngày hôm nay chúng mình thu hoạch mai trong vườn.
Được một rổ tưng đây quả xanh.
Hai tuần nữa cạnh đôi guốc mộc này lại sẽ là rổ khác, quả ương, để ngâm ra thứ rượu mai có mùi khác, vị khác.
Rồi tới khi Xuân tàn kiệt cùng, gió ấm hây hẩy, mai chín màu vàng mỡ gà, sẽ ngâm một vò nữa với mùi và vị của mai chín, khi thịt mai mềm.
Lúc ấy, hẳn chúa nhất trên đời là mai.

Đón xem album hướng dẫn làm rựou mai từng bước vào tối mai (hoặc tối ngày kia, hoặc tối nào đó) phụ thuộc vào việc có nhiều người thích vụ này hay không?

Nhấn vào hình dưới đây, phần comment, hãy cho mình thấy cánh tay của các bạn đi!!!
Để mình còn có động lực post bài sớm =))

Love from Phan Anh (Esheep)

Related posts

Mồng 3 tháng 3, sửa soạn đón Tết Hàn Thực

BÁNH XUÂN THÁI – MÓN BÁNH CỔ TRUYỀN DỊP TẾT HÀN THỰC CỦA NGƯỜI VIỆT XƯA.

[Lọ mọ Hà Nội] “Hoa Xưa – Khoảnh khắc kì diệu Hà Nội tháng Ba”