CÁCH LÀM CÁ VƯỢC OM XỐT YOSENABE KIỂU NHẬT (Khi cả nhà đều thích ăn eatclean)

CÁCH LÀM CÁ VƯỢC OM XỐT YOSENABE KIỂU NHẬT
(Khi cả nhà đều thích ăn eatclean)
Có một món ngon cực dễ làm cho những bữa eat clean nhà mình ai cũng mê mẩn, đó là cá vược om xốt Yosenabe kiểu Nhật. Nhiều người thường nghĩ ăn salad, hay ăn các món kiểu Âu, hay ăn thật nhiều rau mới được gọi là eat clean (ăn uống lành mạnh).
Nhưng thực chất, eat clean chỉ đơn giản là chế độ ăn uống lành mạnh sử dụng các loại thực phẩm sơ chế càng đơn giản càng tốt để thực phẩm gần nhất với trạng thái tự nhiên, giúp cung cấp lợi ích dinh dưỡng tối đa. Với eat clean, thì việc lựa chọn thực phẩm, gia vị có phẩm chất tốt và bền vững là một yếu tố quan trọng.
Cá vược vốn rất bổ dưỡng, dễ tiêu hóa, vì vậy thường không cần chế biến cầu kì hay quá lâu. Người Nhật rất thích ăn cá vược và có rất nhiều món ngon từ các vược, trong đó có món cá vược om xì dầu cực ngon mà cực dễ làm. Mình biến tấu một chút với vị xì dầu cốt lẩu Yosenabe của Kikkoman, lại càng ngon và dễ làm hơn nữa.
Món này dễ đến mức trở thành món tủ của em Cừu nhà mình, em ý làm rất thành thạo và rất tự hào khi làm món này thật ngon để “đãi cả nhà” mỗi dịp cuối tuần. Đây cũng là một gợi ý cho bạn món ngon, dễ làm, lành bụng cho ngày Tết vốn ê hề thịt thà đấy. Hãy thử cùng các bạn nhóc vào bếp với món này nha.
Nguyên liệu món này cực kì đơn giản và dễ biến tấu. Nếu không mua được cá vược, bạn hoàn toàn có thể thay bằng cá basa mua ở bất kì siêu thị nào, hoặc cá diêu hồng cũng ngon lắm nha.
Các loại nấm phù hợp là nấm rơm, nấm mỡ trắng, nấm đùi gà đều được. Rau cải nên là rau cải ngọt lá nhỏ (hay còn gọi là cải bó xôi Nhật Komatsuna) bán rất nhiều ở hàng rau sạch, siêu thị.
Gia vị thì nếu không có rượu mirin hay sake, hoàn toàn có thể bỏ qua, vì chai xốt Yosenabe này của Kikkoman đã rất thơm, rất tròn vị rồi. Nó vốn là chai xốt lẩu Yosenabe chuẩn vị Nhật, hình như mới có ở Việt Nam thôi, trước mình chưa thấy. Chai này cực kì tiện khi bạn muốn ăn lẩu Yosenabe, chỉ cần hòa vào nước lọc là xong =))) Trời ơi từ khi mình phát hiện ra chai này thì thôi best luôn. Nguyên cái mùa đông năm nay không biết ăn bao nhiêu bữa lẩu Yosenabe rồi.
Cho những bạn chưa biết thì Yosenabe là một vị lẩu cơ bản kiểu Nhật. Có thể gọi là vị lẩu “quốc dân” vì bạn có thể nhúng mọi thứ vào nó đều cực hợp, từ hải sản, bò, gà, nấm, đủ loại rau… Thậm chí bạn còn có thể nhúng chìm mọi kí ức về người yêu cũ vào đây cho nó tan hết muộn phiền mà chỉ còn đọng lại dư vị ngon tuyệt vời của một nồi lẩu tuyệt mĩ thế gian, đệ nhất thiên hạ, bá chủ mọi thiên hà.
Ờ ờ đoạn này lộn rồi, quên, để quay xe! Đến đâu rồi ý nhỉ?
À đấy, quay lại với triết học cuộc sống thì Yosenabe bắt nguồn từ động từ yoseru (寄せる) trong tiếng Nhật nghĩa là “kết hợp nhiều thứ cùng nhau” và từ “nabe (鍋) nghĩa là cái nồi. Nôm na là “quẩy lên anh em, trút mọi thứ vào nồi” cho nó vuông. Hay chân phương ta gọi là “lẩu thập cẩm”.
Cuộc đời vốn nhiều thứ tưởng vậy mà không phải vậy. Để có thể tấu lên bản giao hưởng thập cẩm đầy tráng lệ mà không biến thành thứ nhạc Vinahouse remix tạp pí lù khó tiêu hóa, thì hồn cốt của một nồi lẩu thập cẩm quốc dân của Nhật chính là vị nước lẩu Yosenabe được nấu từ một số nguyên liệu chính như nước dùng dashi (lấy độ ngọt từ tảo bẹ Kombu), nấm đông cô, mirin, sake, xì dầu (nước tương) nhạt usukuchi, nêm nếm thêm thật nhiều lòng vị tha, bác ái với cuộc đời nữa nha. Mọi thứ phải thật thiện lành, cân bằng thì mới có thể làm nền cho vạn sự thập cẩm trên đời mà không ngang trái các bạn ạ.
Rất nên thử một lần bỏ công tự nấu nước cốt lẩu Yosenabe để khám phá sâu hơn ẩm thực Nhật. Còn trong trường hợp khác, chủ nghĩa sẵn sàng, thì có thể mua luôn chai nước cốt lẩu Yosenabe của Kikkoman nhé. Mình tâm đắc chai này cực kì vì vị nó rất chuẩn vị Yosenabe mình ăn bên Nhật, thành phần lên men tự nhiên từ nấm đông cô (nấm hương shiitake), cá ngừ bonito, và nước tương lên men tự nhiên (này các bạn tra trên bao bì là có liền nha). Mình cực kì chuộng Kikkoman vì mình đã dùng thử kha khá các loại nước tương các vị của Kikkoman rồi, loại nào cũng ngon, sản phẩm chỉn chu, uy tín luôn!
Còn về chai xốt Yosenabe này thì ngoài làm lẩu ra, có thể nêm nếm, nấu nướng đủ món như món cá om Yosenabe này nha.
Giờ thì đội chặt mũ bảo hiểm, mình quay xe làm món cá vược om xốt Yosenabe cho một năm mới thật sự rỡ như chính mình nhé.
Nguyên liệu, chi tiết cách làm trong từng ảnh nhá.

Cá om xốt Yosenabe kiểu Nhật vốn cực kì đơn giản, không hoa mĩ. Cảm nhận vẻ đẹp của món này chính là cảm nhận vẻ đẹp nguyên bản của thực phẩm & gia vị tươi ngon.

Một điểm mình yêu thích và hay làm món này là sự giản tiện và đa nhiệm. Vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.
Làm 1 món nhưng đủ dinh dưỡng cho một bữa luôn. Vì ngoài cá ra còn có nấm, có rau cải chần sau khi om cá. Nếu thích, thả thêm 1 chút nấm và rau để lại, hòa thêm nước là lại có thêm 1 món canh thơm ngon nóng hổi rồi.

Nguyên liệu thì đơn giản và dễ biến tấu:
• 2 miếng cá vược (500g phi-lê không xương), có thể thay bằng cá basa, diêu hồng tùy thích.
• 1 nhúm muối
• 1 củ gừng tươi
• 500ml nước sôi
• 150ml nước lọc
• 100ml rượu sake (có thể bỏ qua)
• 3 Tbsp rượu mirin (có thể bỏ qua)
• 30g đường nâu (có thể thay bằng đường kính)
• 50ml nước xốt YOSENABE hiệu Kikkoman (có bán ở rất nhiều siêu thị)
• Nấm mỡ trắng (hoặc nấm đùi gà/ nấm rơm)
• Hành lá
• 1 nắm nhỏ cải ngọt (cải bó xôi Nhật Komatsuna)

Sửa soạn tâm trí tươi mới và nguyên liệu tươi ngon để làm một món ăn cho gia đình, đôi khi là cách mình trút bỏ căng thẳng, mệt mỏi trong công việc.
Ờm, còn cái thứ công việc hàng ngày khiến mình căng thẳng lại cũng chính là việc nấu nướng. Đời nó oái oăm thế chứ.

Cá vược không xương, còn bạn thì dùng dao rạch vài đường lên mặt da cá để gia vị thấm sâu, cá dễ chín hơn nhé.

Xếp cá vào đĩa sâu lòng hoặc bất cứ thứ gì không thủng lỗ, dội nước sôi thẳng vào mặt da cá. Đây là mẹo nhỏ khử tanh cho cá trong ẩm thực Nhật, để cá hết tanh nhớt, chắc thịt hơn, khi om không dễ vỡ nát. Thay cho việc chiên sơ trước khi om, lại lành mạnh hơn, hạn chế dầu mỡ và cứng mặt cá. Ẩn bớt

Cá vược dội nước sôi xong, lớp vảy sẽ chuyển màu vàng, da cong các lớp chân vảy lên rất đẹp mắt mà không cần chiên rán.
Lần đầu tiên làm tới bước này, con Cừu hồi ý còn bé, hỏi mình:
– Nay nhà mình làm món gì mà đẹp thế hả mẹ.
Mình bảo nó:
– Nay mẹ mua được một khúc thịt rồng con ạ. Con nhìn xem này, vảy rồng đẹp không?

Thật không cái dại nào bằng cái dại nào.
Đứa con nghe xong liền lăn ra khóc hết nước mắt, bảo: “Sao mẹ lại ăn thịt rồng, xin hãy tha cho rồng, con muốn nuôi con rồng.”
Trời ơi tôi mất nửa buổi dỗ dành nó, bảo mẹ xin lỗi vì đã trêu con, đây là cá vược, mẹ đặt tên nó là Rồng thôi. Mình hãy cảm ơn cá vược vì đã cho mình một bữa ăn ngon. Mình sẽ trân trọng và ăn thật ngon không lãng phí nhé.

Không lãng phí đồ ăn, gia vị, nguyên liệu là một trong những tiêu chí hàng đầu của mình. Vì vậy, trước mỗi bữa, mình luôn soạn phần nguyên liệu ra như này để đảm bảo cho luồng công việc nhanh tiện nhất cũng như kiểm soát được lượng nguyên liệu của cả bữa.

Cách làm rất đơn giản, nghiền 1 mẩu gừng ra nhé. Nếu không có bàn mài/ nghiền, thì cứ băm nhỏ, xay nhuyễn gì cũng được.

Cho toàn bộ nguyên liệu phần nước om gồm cốt lẩu Yosenabe vào nồi. Ưu tiên nồi dày, chịu nhiệt tốt.

Nấu ở mức lửa nhỏ, khuấy đều cho tan đường

Cho gừng mài vào, khuấy đều.

Nhẹ nhàng thả cá vào, mặt da lên trên. Lượng nước lúc này chỉ cần sấp dưới mặt cá thôi nha.

Các bạn có thể sẽ thắc mắc, ít nước vầy, sao om ngấm đều ta?
Xin mời nhìn thành phẩm nè, khúc cá om xong mướt mượt thấm cực đều nhé. Từng thớ thịt cá dai ngon thế này, mặt da lại không bị bám cặn bọt.
Ta nói, nhờ bí kíp tổ tiên truyền lại cả.

Đùa đấy, đây là một bí kíp nữa của người Nhật nha. Mỗi khi làm các món om, sẽ có một dụng cụ gọi là OTOSHIBUTA (落し蓋) nghĩa là vung chống trào cho các món cần om, hầm, nấu sôi chống trào. Nó thường là một nắp vung gỗ, nhỏ vừa lòng nồi, được đậy vừa khít lên thực phẩm được om, giúp cho phần nước om luôn sôi lăn tăn giúp phân bổ đều nhiệt cho nguyên liệu om được chín đều, cũng chống trào, bám cặn đạm (nếu có) lên bề mặt đồ ăn trông không ngon. Cũng như giúp cho bọt khí khi sôi không làm hỏng bề mặt thực phẩm (nát da cá v.v…).
Thật thú vị phải không nào!

Nếu không có vung chống trào gỗ này (mình săn được ở một hàng đồ gốm sứ Nhật) thì đừng lo, dùng giấy nến chống dính (baking paper) tự cắt 1 cái vung lỗ thế này là xong nhé.
Đến đây thì nhớ ra chưa nào? Không chỉ người Nhật mới thông minh hay tinh tế trong ẩm thực đâu. Người Việt cũng vậy nha, các cụ thường hay dùng lá mít, lá chuối phủ lên nồi thịt kho hột vịt (miền Tây), hay lá chuối phủ lên nồi om giả cầy (miền Bắc) là có lý cả. Điều này mình tổng hợp và đúc rút được trong quá trình mình tìm hiểu về ẩm thực dân gian các vùng miền đó.
Làm food blogger, được học hỏi rất nhiều điều hay.
Chứ không như làm admin Yêu Bếp.
Ráng chụp cho đẹp mà chả ai khen mình xinh.

Tada nhìn nè. Đậy lên miếng cá nó sẽ như này nhá. Đảm bảo giữ được lớp da cá không nứt rách trong quá trình om, lại thấm đều gia vị.

Nhẩn nha uống chén trà trong lúc ngắm nhìn vẻ đẹp của làn khói.

Chụp được bức hình ưng ý quá, căn bếp nhỏ trong ánh sáng dịu dàng buổi chiều đẹp như một bài thơ vậy, nên ráng làm bài thơ Haiku tặng các bạn:
寄せる, 沸騰した鍋で
2匹の魚
静かに見つめ合う
Cùng nhúng vào, một chiếc nồi sôi sục
Hai miếng cá
Tĩnh lặng nhìn nhau

Hết giờ làm thơ. Sau tầm 5-7 phút thì mở nồi ra kiểm tra nào

Đó, nắm vung giấy sẽ giúp cho các bọt khí tản đều dù sôi, không trào lên làm vỡ da cá nhé.

Giờ thì thả tiếp nấm vào, rút nhỏ lửa hơn, om thêm 8 phút. Sau đó nhẹ nhàng gắp cá & vớt nấm ra đĩa là xong.

Phần nước om còn lại, thả rau cải vào chần chín tới để ăn kèm.

Rưới đều nước om lên cá cho thêm phần bóng bẩy.

Chần thêm hành & gừng sợi để trang trí nếu muốn.

Thành phẩm đây. Nấu một món mà được 2 món luôn nè. Nếu thích, bạn có thể chuẩn bị thêm giá đỗ/ các loại rau cải/ nấm khác thả vào nước om, thêm nước sôi cho nhạt ra vừa miệng, là được luôn 1 bát canh cho mâm cơm thêm tươm tất nha.

Thịt cá dai, thơm, chắc ngọt và ngấm đượm mùi vị xốt Yosebane đến từng thớ cá nâu nhạt luôn nha bạn ơi. Rất là ngon.
Có thể thay bằng cá basa, cá diêu hồng cũng hợp lắm đó.

Trọn vẹn một bữa cơm ngon với các món thanh lành ngon miệng này đâu cũng chỉ mất khoảng 20-30 phút sơ chế, nấu và nắn nót trình bày thôi. Cá vược om xốt Yosenabe rất phù hợp bữa cơm nhanh gọn hàng ngày, và cũng đủ ngon lành đẹp mắt cho một bữa tiệc nhỏ tại gia, bữa Tết đấy. Các bạn hãy thử nhá.

Hướng dẫn hoài mệt rồi. Cho mình đăng ké bức ảnh. Lâu không đăng hình bản thân, ad sợ các bạn quên mặt.

Bài viết gốc dưới đây, nếu có bất kỳ câu hỏi nào cần trả lời gấp, các bạn để lại comment tại bài gốc để được trợ giúp nhanh nhất nhé

Link bài gốc từ:

Related posts

CÁCH LÀM BÁNH MỲ “DÂN TỔ” TÁN ĐỔ TIM EM

CÁCH LÀM THỊT KHO SIÊU TỐC “OÁNH” BAY NỒI CƠM

[MÓN NGON – BÀI THUỐC] TRỨNG RÁN LÁ MƠ THƠM BÙI GIẢI NHIỆT, BÍ QUYẾT TRỞ THÀNH NGƯỜI “TỐT BỤNG”