MÍA CHƯNG HOA BƯỞI – QUÀ CỦA THÁNG BA

Lại một mùa hoa bưởi tràn ngập trên phố phường Hà Nội khiến ai đi qua cũng phải ngẩn ngơ.
Với mình, đây là một trong những mùi hương dấu yêu thân thuộc nhất nhất với mình. Thứ mùi quê mùa, thanh khiết, trong trẻo khiến mình dễ chịu và nôn nao nhớ đến cả trời kỉ niệm thơ bé. Thứ kỉ niệm đậm đặc gắn với nông thôn miền Bắc.


Nó nhắc mình nhớ đến khi xưa còn bé mỗi bận Giêng ra, cùng ba mẹ đi chùa Hương. Thường phải đi từ mờ sớm, những đứa trẻ con mỏi mệt vì say xe và buồn ngủ, bước xuống xe cảm giác gai lạnh mệt rũ, bỗng nhiên ập vào mặt là cảm giác mát mẻ ẩm ướt của mưa Xuân mang theo mùi hoa bưởi thơm tho dịu dàng thanh khiết. Cảm giác tỉnh cả người. Cảm giác dễ chịu khôn tả.
Và mình thích cảm giác ấy, mùi hương vương vấn ấy mãi đến giờ.
Ngày xưa, ở HN, không có hàng rong bán hoa bưởi như bây giờ. Thường nhiều gia đình nhà làng-trong-phố, vẫn trồng bưởi, lấy lá lấy gai, lấy hoa lấy quả. Hoa bưởi thường xuất hiện những ngày đầu xuân trên mẹt hoa ngày tuần của các bà bán hoa cúng đầu chợ. Cạnh hoa lan hoa huệ hoa ngâu. Vậy thôi.
Nên những nhà có cây bưởi, vào mùa hoa non sẽ có thêm các món ngon, thường là các món tráng miệng, có ướp hương hoa bưởi.
Một trong những thứ quà dân dã, thơm thảo, ngon lành mà trẻ con Hà Nội bọn mình mong ngóng nhất mỗi độ tàn Xuân, là “Mía lau chưng hoa bưởi”. Không gì thơm bằng, ngọt bằng, ngon bằng!


Chỉ là món ăn chơi, nhưng gói trọn cái sự kiểu cách, cầu kì, tỉ mỉ của người Hà Nội. Gói trọn vào đó sự quan tâm, săn sóc và tình yêu của bà, của mẹ trong gia đình dành cho trẻ nhỏ, cho người già mỗi độ tiết Xuân ẩm ướt giở giời.
Gọi đây là món của trẻ nhỏ, người già quả không sai. Vì mía sau khi chưng trở nên mềm, ngọt vô cùng, lại thấm đẫm mùi thơm ngọt, thấm đẫm tinh dầu hoa bưởi, chống cảm mạo, giữ ôn hoà khí huyết.
Để làm món này, cũng tinh tế lắm.
Đầu tiên là chọn đúng loại mía lau. Bấy giờ, Hà Nội chưa phổ biến loại mía tím như sau này, mà chỉ có mía tre thân to, vỏ xanh phấn bạc như đốt tre, ăn cứng, nhạt, hơi chua và nhiều bã; cùng mía lau vỏ xanh vàng, thân nhỏ hơn mía tre, vị ngọt thanh, mùi thơm, ít bã hơn, mềm hơn. Mùi vị hơn đứt mía tím chỉ có vị ngọt mà không có mùi “mía”.


Mình đã sướng phát điên khi bõ công lùng sục tìm được đúng giống mía lau như “hồi bé”, chỉ để làm một thố mía lau chưng hoa bưởi “đúng kiểu” nhà mình ngày xưa thế này đây.
Chọn đúng mía lau vậy, sẽ chẻ vỏ thật mỏng và giữ lại vài thanh vỏ bóng đẹp nhất, chuốt thành những chiếc xiên nhỏ, một đầu nhọn, một đầu thắt nút, trở thành chiếc xiên xinh xinh để sau đó ăn mía chưng. Thật vừa tiện dụng vừa tinh tế biết bao.
Thế rồi mía sẽ được chẻ ra từng khúc nhỏ, miếng vừa bằng đốt ngón tay xinh. Bỏ cả vào một chiếc thố gốm nhỏ nhắn, cứ một lớp mía lại rắc một lớp vài cánh hoa bưởi trắng muốt tinh khôi. Thế rồi đổ vào đó một gáo nước mưa ngọt lành cho ngập mía. Đậy nắp thố, đặt vào một nồi nước sao cho nước ngập lưng thố. Chưng khoảng 30 phút sao cho khi mở nắp thố ra, mùi hoa bưởi thơm ngào ngạt, từng khúc mía lau trắng xanh giờ đã ngả màu vàng và trở nên trong veo mềm mại.
Nhưng hượm đã. Chưa thể ăn ngay được đâu. Mía cần được để nguyên trong thố cho nguội dần. Các mẹ sẽ bảo, đây là lúc “hãm mía”. Mía sẽ dần ngọt lại trong lúc nguội, vị ngọt sâu hơn, và ngấm thêm mùi hương bưởi ngào ngạt.
Cứ chờ mãi chờ mãi, thèm mãi mới đến lúc được ăn.
Lúc này, mới nhẩn nha dùng từng chiếc xiên đã được chuốt từ chính vỏ mía lau vàng óng, nhẹ nhàng xiên lên từng khúc mía trong vắt, thấm đẫm mùi hoa bưởi và thưởng thức.
Cuối cùng, là nhấp từng ngụm nhỏ nước mía lau chưng giờ đã ngọt thanh và cũng thơm dịu dàng thanh khiết.
Đây là một món ăn chơi, món quà vặt và cũng là món tráng miệng cực kì tinh tế của người Hà Nội khi xưa. Có lẽ mấy ai còn nhớ được tới giờ?

 

Mình vẫn cố gắng hết sức, dù bận đến mấy, vẫn cố ghi nhớ, lưu chép và làm lại những món quà thơ ấu ấy của mình, vào những dịp cuối tuần, để những cô con gái của mình, sẽ lớn lên, đem theo cả bầu kí ức dịu dàng về những món mẹ làm, những câu chuyện mẹ kể, về Hà Nội, về những thứ văn hoá cũ kĩ, cổ truyền và đáng lưu giữ ấy.
Mong những điều dịu ngọt này không bị mai một đi theo năm tháng.

Copy: Phan Anh (Esheep)
Photo: Nguyễn Minh Tuấn

Related posts

[MÓN NGON – BÀI THUỐC] TRỨNG RÁN LÁ MƠ THƠM BÙI GIẢI NHIỆT, BÍ QUYẾT TRỞ THÀNH NGƯỜI “TỐT BỤNG”

Mồng 3 tháng 3, sửa soạn đón Tết Hàn Thực

BÁNH XUÂN THÁI – MÓN BÁNH CỔ TRUYỀN DỊP TẾT HÀN THỰC CỦA NGƯỜI VIỆT XƯA.

7 comments

Nguyễn Dương March 8, 2017 - 3:08 PM

E cảm ơn vì chia sẻ của chị! Chị mua được mía lau ở đâu vậy ạ?

Esheep Kitchen March 8, 2017 - 3:39 PM

Mua ở các chợ đó em, nếu hỏi mía lau không được thì em hỏi mía trắng nhé

kadoan April 19, 2017 - 1:25 PM

hi chị Phan Aanh, vô tình đọc được bài viết này của chị mới biết món này ạ! em ở Miền Nam không biết món này, để hôm nào làm ăn thử, cảm ơn chị đã chia sẻ ạ

Thanh March 8, 2018 - 1:13 PM

Cám ơn Phan Anh về bài viết

Liên March 13, 2019 - 7:50 AM

Em làm thử mà cả mía và nuớc mía đều bị đắng K dùng được chị Phan Anh ơi.

Esheep Kitchen April 5, 2019 - 10:11 AM

chỉ lấy mỗi cánh hoa để chưng thôi em nhé, và đừng cho nhiều

Lan Hương March 17, 2019 - 7:18 AM

Cảm ơn chị về bài viết rất nhiều ạ!

Add Comment